“Con mẹ giỏi quá!” – Phương pháp Montessori không khuyến khích lời khen này
Một lời khen nếu không chân thành sẽ không chạm được tới trái tim của trẻ. Một lời khen nếu chỉ hướng tới bản ngã của con sẽ không khuyến khích con tiến bộ.
“Con mẹ giỏi quá!” có lẽ là lời khen cơ bản mà rất, rất nhiều ba mẹ hay nói khi con làm một điều gì đó đúng, hay đạt được một thành quả nào đó: con tự dọn dẹp đồ chơi cũng “giỏi”, con ăn xong phần ăn của mình cũng “giỏi”, tô xong bức tranh cũng “giỏi”… Lời khen ấy được đưa ra như một phản xạ tự nhiên: dễ dàng, nhanh chóng, vừa thể hiện được sự tự hào của ba mẹ, vừa có hiệu quả khích lệ ngay lập tức. Có lẽ vậy!
Nhưng nếu xem xét kỹ việc khen như vậy đã bao hàm sự đánh giá, phán xét của ba mẹ vào hành động của con, trong khi vai trò đúng đắn của người lớn chỉ là tạo môi trường an toàn để các con tự học, tự khám phá, tự lớn lên, chứ không phải là can thiệp vào quá trình đó, kể cả đó là can thiệp tiêu cực (la mắng, phạt) hay tích cực (khen, thưởng…).
Phương pháp Montessori cho rằng mọi công việc của các con đều đáng được trân trọng và đều cần thiết cho quá trình phát triển, trở thành một người lớn độc lập. Lời khen ngợi hướng vào kết quả hành động của trẻ lại chỉ có thể phát huy bản ngã của con, nếu có tác dụng thì cũng rất tạm thời bởi trẻ con giờ nhanh nhạy lắm, chúng sẽ nhanh chóng nhận ra cơ chế của việc khen, thưởng: cứ làm cái này, sẽ ắt được cái kia. Theo thời gian, việc khen như vậy có thể đem lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm con sợ thử làm việc mới, sợ thất bại và sợ không đạt được tới kỳ vọng của mọi người.
“Con làm được rồi!” – Chỉ cần khen đơn giản nói như thế (Maria Montessori)
Vậy, thay cho những từ ngữ khen ngợi mang nặng tính đánh giá, phán xét như “giỏi”, “ngoan”…, ba mẹ hãy thử dành lời khích lệ cho nỗ lực, kỹ năng mà con sử dụng để hoàn thành việc đó như:
“Con gái ba hôm nay tự xúc cơm không rơi chút nào kìa!” “Con trai mẹ đã lau bàn tới bốn lần luôn, sạch quá!” Hoặc, như bà Maria Montessori, ba mẹ chỉ cần đơn giản nói “Con làm được rồi!” là đủ
Ba mẹ có thể đặt những câu hỏi để khuyến khích con miêu tả thành quả của mình, cảm xúc của con hoặc quá trình con làm được ra kết quả đó như: “Con tô xong bức tranh rồi à, nói mẹ nghe sao cái ô này con lại tô xanh đi” hay thể hiện cảm xúc, sự trân trọng của ba mẹ trước hành động của con như: “Mẹ cảm ơn nhé! Nhờ con tự dọn đồ chơi mà giờ mẹ con mình có thêm thời gian đọc truyện trước khi ngủ nè!”.
Một mẹo khen con đúng và trúng là đừng vội vàng!
Khuyến khích nỗ lực, kỹ năng của trẻ sẽ giúp con tìm thấy sự tự tin, cũng như để con phát huy kỹ năng đó và áp dụng vào nhiều công việc, nhiệm vụ khác. Nhưng muốn biết con đã cố gắng như thế nào, tiến bộ ra sao, ba mẹ phải sao sát, theo dõi và ghi nhận hoạt động, ứng xử, tâm lý của trẻ để xem con đạt được điều gì, chưa đạt được điều gì. Một mẹo khen con đúng và trúng là đừng vội vàng! Ba mẹ hãy cho mình một giây tĩnh lặng và suy nghĩ, đủ để ngăn việc nói “Con giỏi quá!” như một phản xạ, đủ để xác định xem mình muốn khuyến khích điều gì ở con, muốn con tiếp tục phát huy kỹ năng gì, học thêm điều gì trước khi đưa ra được lời khích lệ thực sự có ý nghĩa với con.
KẾT NỐI CÙNG PATHWAY TUỆ ĐỨC