CẦN CHUẨN BỊ GÌ ĐỂ HỌC SINH LỚP 6 VƯỢT QUA KHÓ KHĂN Ở LỚP ĐẦU CẤP TRUNG HỌC?

Phần 1: Những khác biệt giữa việc học ở lớp 5 và lớp 6

Năm nào cũng vậy, khi tiếp xúc với các phụ huynh học sinh (PHHS) có con em vào lớp 6, vấn đề mà phần lớn PHHS hay than vãn đó là: “Sao chương trình lớp 6 khó vậy?” “Cháu ở lớp 5 học rất tốt, mà lên lớp 6 có vẻ như cháu đang đuối sức không theo nổi”….

Vậy điều gì xảy ra khi con em chúng ta bước vào ngưỡng cửa lớp 6? Chúng ta cần chuẩn bị gì mình để giúp các em vượt qua cột mốc này?

  • Trở ngại đầu tiên học sinh lớp 6 gặp phải đó là việc thay đổi về thời lượng tiết học. Nếu như ở Tiểu học, tiết học chỉ kéo dài tối đa 40 phút, thì ở khối Trung học, thời lượng là 45 phút, chưa kể có những môn học ở khối Trung học thường bố trí 2 tiết liên tục kéo dài 90 phút. Mỗi tiết chỉ tăng 5 phút nhưng là một khoảng thời gian “dài vô tận” đối với những học sinh Tiểu học chập chững bước vào ngưỡng cửa Trung học.
  • Trở ngại thứ hai đối với học sinh bước chân vào lớp 6 là sự thay đổi một cách rõ rệt về dung lượng kiến thức cần đạt được trong một tiết học. Mặc dù hiện nay, chương trình GDPT2018 với yêu cầu dạy học phát triển năng lực người học được đặt lên hàng đầu, thì lượng kiến thức cần sở hữu sau mỗi tiết học vẫn là một thách thức đối với các bạn học sinh. Điều này có thể thấy rất rõ ở bộ môn Ngữ văn khi các yêu cầu về kiến thức ở lớp 6 gần như là một sự nhảy vọt hoàn toàn so với kiến thức môn Tiếng Việt ở lớp 5. Hoặc ở môn Toán lớp 6: thay cho những bài Toán chỉ cần áp dụng công thức, làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản, chương trình Toán lớp 6 đòi hỏi học sinh phải tự đọc, tự tìm hiểu, đưa ra các lập luận, và vận dụng những điều được học để giải quyết những bài Toán trong thực tế.
  • Trở ngại thứ ba đó là yêu cầu về năng lực tự chủ tự học được xác định rất rõ ở lớp 6 – là một trong 10 năng lực học sinh cần đạt ở chương trình GDPT 2018. Năng lực này thường ít được chú trọng rèn luyện kỹ năng này ở bậc học Tiểu học, một phần do nhiều PHHS hiểu sai quy định của Bộ Giáo dục về việc không yêu cầu học sinh làm bài tập ở nhà. Qua thực tế quan sát, nhiều học sinh khối lớp 5 chưa có thói quen tự học, tự chuẩn bị bài ở nhà trước khi đến lớp. Điều này dẫn đến các em học sinh khi vào lớp 6 sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của việc dạy học phát triển năng lực học sinh.
  • Thứ 4 là sự thay đổi về cách tiếp nhận kiến thức. Thông thường ở Tiểu học nói chung hay ở lớp 4, 5 nói riêng, đa phần học sinh được học tập theo kiểu “cầm tay chỉ việc” – tức là theo định hướng khuôn mẫu của giáo viên. Khi lên lớp 6, với chương trình GDPT 2018, học sinh được yêu cầu phải tự khám phá kiến thức, tự đề ra phương án giải quyết của cá nhân dựa trên những kiến thức đã được tích lũy. Vì vậy, xuất hiện ở nhiều học sinh lớp 6 trạng thái hoang mang do cảm giác bị giáo viên “bỏ rơi”, vì giáo viên chỉ đặt ra những câu hỏi gợi mở mà không chỉ ra một cách giải quyết cụ thể nào cho vấn đề cần xử lý.

(còn tiếp)

(Thầy Phạm Phúc Thịnh

Thành viên Hội đồng Chuyên môn khối Trung học)

KẾT NỐI CÙNG PATHWAY TUỆ ĐỨC



      19006462