CẦN CHUẨN BỊ GÌ ĐỂ HỌC SINH LỚP 6 VƯỢT QUA KHÓ KHĂN Ở LỚP ĐẦU CẤP TRUNG HỌC?

Phần 2: Làm gì để giúp đỡ học sinh lớp 6?

Bước chuyển tiếp từ lớp 5 lên lớp 6 – từ bậc học Tiểu học qua bậc học Trung học cơ sở – là một bước chuyển rất quan trọng đối với học sinh. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, rất cần có sự đồng hành của thầy cô & PHHS giúp học sinh vượt qua được những trở ngại ban đầu, tạo cho các em sự tự tin vào bản thân và hình thành thói quen học tập, giúp cho các em đạt hiệu quả tốt hơn trong những năm học tiếp theo.

Sự đồng hành đó cần tập trung vào 4 bước sau:

Bước 1: PHHS cần tập cho con em mình thói quen chuẩn bị bài học ở nhà ít nhất 60 phút/ngày.

Việc chuẩn bị này không phải chờ đến khi sắp vào lớp 6 mới thực hiện, mà cần tạo thành thói quen khi trẻ bắt đầu vào lớp 4. Thời lượng 60 phút mỗi ngày được duy trì đều đặn từ năm học lớp 4, sẽ dần hình thành thói quen chuẩn bị bài, thói quen tự học, giúp học sinh không bỡ ngỡ khi phải giải quyết các công việc được giao khi vào lớp 6. 

Vậy ở Tiểu học, 60 phút đó học sinh sẽ làm những công việc gì? Học sinh có thể xem lại những bài tập đã được giáo viên hướng dẫn giải quyết ở trên lớp, làm lại những bài tập đòi hỏi kỹ năng suy luận logic, đọc trước bài học cho ngày mai… Đây không phải là việc làm bài tập ở nhà, mà là hình thức rèn luyện cho học sinh thói quen tự học, chủ động tìm hiểu kiến thức mới, giúp cho việc tiếp thu kiến thức mới được dễ dàng và thuận lợi hơn.

Bước 1: PHHS cần tập cho con em mình thói quen chuẩn bị bài học ở nhà ít nhất 60 phút/ngày.

Bước 2: Rèn kỹ năng tóm tắt bài học theo cách diễn đạt của học sinh.

Việc nắm được nội dung bài học tại lớp do giáo viên truyền đạt chỉ là bậc thang đầu tiên trong 4 bậc thang Nhận biết – Thấu hiểu – Vận dụng thấp – Vận dụng cao, trong quá trình lĩnh hội và làm chủ tri thức. 

Do đó, việc khuyến khích học sinh hãy diễn đạt những điều học sinh đã biết theo ngôn ngữ của học sinh, giúp cho các em hiểu rõ nội dung căn bản của kiến thức đã tiếp nhận, biến điều nhận được trở thành kiến thức nội tại của bản thân. Khi học sinh có thể tóm tắt bài học theo cách diễn đạt của bản thân, thì lúc đó học sinh mới có khả năng vận dụng được các kiến thức đó vào việc giải quyết các vấn đề thực tế.

Bước 2: Rèn kỹ năng tóm tắt bài học theo cách diễn đạt của học sinh.

Bước 3: Tập thói quen sắp xếp thời gian làm việc không để nước đến chân mới nhảy.

Quá trình thẩm thấu kiến thức là một quá trình lâu dài, một đơn vị kiến thức được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ dễ dàng “thấm sâu” vào trong bộ não, giúp học sinh nhớ lâu – hiểu rõ kiến thức đó hơn. Cần bỏ đi một thói xấu ở rất nhiều học sinh là chỉ khi sắp đến ngày kiểm tra mới vội vàng học ngày học đêm, học nhồi nhét để ứng phó với việc kiểm tra. Chắc chắn việc học nhồi nhét như vậy, không thể giúp cho học sinh nắm được kiến thức một cách hoàn chỉnh và bền vững.

Bước 3: Tập thói quen sắp xếp thời gian làm việc không để nước đến chân mới nhảy.

Bước 4: Hình thành phương thức giải quyết bất kỳ nhiệm vụ được giao trong các môn học thông qua việc trả lời hoàn chỉnh 5 câu hỏi cốt lõi.

Vấn đề cần giải quyết là gì? Xác định đúng trọng tâm vấn đề sẽ giúp cho việc định ra cách giải quyết vấn đề phù hợp.

Kiến thức & kỹ năng nào liên quan đến vấn đề cần giải quyết? Khi trả lời câu hỏi này, học sinh sẽ như một người thợ cần biết chuẩn bị những “công cụ” nào để phục vụ tốt cho việc hoàn thành nhiệm vụ ở các bước tiếp theo.

Đề ra một cách thức quen thuộc để giải quyết vấn đề. Cách thức giải quyết này, thông thường dực trên những điều quen thuộc đã được giáo viên hướng dẫn, trên những bài tập tương tự đã giải quyết hoặc dựa trên một số ví dụ đã được hướng dẫn trong sách giáo khoa.

Có thể giải quyết vấn đề này theo cách nào khác không? Thông thường sau khi tìm ra lời giải cho một vấn đề cần giải quyết, học sinh thường có tâm lý thỏa mãn và dừng công việc. Tuy nhiên việc đặt ra câu hỏi này giúp cho học sinh hình thành thói quen nhìn một vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nhau, chủ động trong việc giải quyết vấn đề và sáng tạo hơn trong cách vận dụng kiến thức.

Khái quát hóa vấn đề đã giải quyết: với việc khái quát hóa vấn đề cần giải quyết, dần dần học sinh hình thành thói quen giải quyết một “lớp vấn đề” chứ không chỉ là một vấn đề đơn lẻ, giúp các em nhìn được tổng quát vấn đề, thấy được cái chung từ cái riêng lẻ, và từ đó hình thành nên quy trình giải quyết những vấn đề tương tự.

Bước 4: Hình thành phương thức giải quyết bất kỳ nhiệm vụ được giao trong các môn học thông qua việc trả lời hoàn chỉnh 5 câu hỏi cốt lõi.

Bên cạnh đó, nội dung Phần 1 – Những khác biệt giữa việc học ở lớp 5 và lớp 6, thầy cô và phụ huynh xem thêm tại đây.

(Bài viết do Thầy Phạm Phúc Thịnh 

Thành viên Hội đồng Chuyên môn khối Trung học biên soạn)

KẾT NỐI CÙNG PATHWAY TUỆ ĐỨC



      19006462